Quý
phụ huynh thân mến!
Sáng hôm nay, ngày 13 tháng 11 năm 2023 trường mầm non Tiên Dược A đã kết hợp
với Trung tâm y tế Huyện Sóc Sơn khám sàng lọc khiếm thính (miễn phí) cho trẻ.
Qua đây nhà trường mong muốn các bậc cha mẹ được biết về lợi ích của việc khám
sàng lọc khiếm thính đối với trẻ.
Khi nào trẻ cần sàng lọc khiếm thính?
Một trong những lời khuyên của chuyên gia khuyến cáo nên thực hiện cho trẻ sớm
sau sinh là sàng lọc thính lực. Việc phát hiện muộn sẽ ảnh hưởng nhiều khả năng
phát âm, giao tiếp so với bạn bè đồng trang lứa của bé. Tuy nhiên, nhiều bố mẹ
lại bỏ qua, khi trẻ được 2-3 tuổi mới phát hiện trẻ bị khiếm thính. Sự thiếu
kiến thức này có thể làm trẻ phải gánh chịu những khuyết tật vĩnh viễn, không
thể điều trị được về khả năng phát âm, phát triển ngôn ngữ và nhận thức.
Tại sao phải sàng lọc thính lực cho trẻ?
Thính giác là cơ sở để xây dựng kĩ năng cảm xúc - xã hội, kĩ năng nhận thức và
sau đó là khả năng đọc hiểu, các kỹ năng học tập. Đánh giá khả năng nghe của
trẻ là vô cùng quang trọng, trẻ cần nghe được âm thanh để học nói, giao tiếp
với thế giới bên ngoài. Thử nghiệm thính lực giúp phát hiện sớm các vấn đề bất
thường về thính lực liên quan đến phát triển ngôn ngữ và học tập sau này. Nếu
trẻ có bất thường thì việc điều trị kịp thời khi trẻ trước 6 tháng tuổi là đặc
biệt quan trọng và vô cùng cần thiết. Vì vậy, tất cả các trẻ sinh ra cần sàng
lọc mất thính lực sớm.
Những trẻ nào cần được chỉ định sàng lọc thính lực?
*Tất cả trẻ em sinh ra đều cần được chỉ định sàng lọc thính lực.
Các phương pháp sàng lọc mất thính lực?
Hiện nay có 2 phương pháp sàng lọc được sử dụng:
- Đo lường âm thanh thoát ra từ ốc tai OAE (Otoacoustic Emission), nghiệm pháp
này đo các sóng âm được tạo ra ở tai trong. Một đầu dò nhỏ được đặt ngay bên
trong ống tai của trẻ. Nó đo lường đáp ứng (âm thanh dội lại) khi tiếng click
được phát vào tai trẻ.
- Đo điện lực thính giác thân não ABR (auditory brainstem response),
nghiệm pháp này đo lường cách mà dây thần kinh thính giác phản ứng với âm
thanh. Tiếng click được phát ra qua tai nghe mềm vào tai của em bé. Ba điện cực
được gắn lên vùng đầu em bé để đo đáp ứng của dây thần kinh thính giác.
Cả hai nghiệm pháp này đều nhanh (khoảng 5 đến 10 phút), không đau và được thực
hiện trong khi bé đang ngủ hoặc nằm yên. Có thể sử dụng một hoặc cả hai nghiệm
pháp.
Nếu trẻ vượt qua được thử nghiệm ngay lần đầu, có nghĩa là khả năng thính lực
của trẻ là bình thường
*Có nhiều mức độ khiếm thính khác nhau:
+ Khiếm thính nhẹ có nghĩa là đứa trẻ chỉ có vấn đề với việc hiểu ngôn ngữ nói
trong những trường hợp nhất định.
+ Khiếm thính trung bình nghĩa là đứa trẻ sẽ có khó khăn hơn trong việc hiểu
ngôn ngữ nói, đặc biệt là khi có tiếng ồn xung quanh. Khiếm thính nặng có nghĩa
là nếu không có các dụng cụ trợ thính, đứa trẻ không có khả năng hiểu ngôn ngữ
nói.
+
Khiếm thính rất nặng, thường được gọi là điếc, nghĩa là khi có dụng cụ trợ
thính thì trẻ có thể phần nào hiểu được lời nói.
+
Cuối cùng là mức độ hoàn toàn không nghe được, nghĩa là khiếm thính ở mức độ
cao mà ngay cả dụng cụ trợ thính cũng không giúp gì được cho trẻ.
*Lưu ý: khiếm thính ở trẻ nhỏ không phải lúc
nào cũng được phát hiện kịp thời, đặc biệt là trong trường hợp trẻ chậm phát
triển trí tuệ. Trong cuộc sống hàng ngày, trẻ khiếm thính thường có một số biểu
hiện như sau:
1. Đứa trẻ chỉ “nghe” một người mà không nghe những người khác.
2. Đứa trẻ có vẻ chỉ nghe những gì mình thích nghe.
3. Đứa trẻ tách mình khỏi các tình huống xã hội.
4. Đứa trẻ phản ứng chậm.
5. Đứa trẻ dường như chỉ nghe sau khi nhắc lại 2,3 lần.
6. Đứa trẻ sợ bị tiếp cận từ phía sau.
7. Đứa trẻ tìm kiếm hướng của âm thanh.
8. Đứa trẻ muốn vặn đài hoặc vô tuyến to hơn hoặc nhỏ hơn.
9. Đứa trẻ nói ít và phát âm ít.
10. Quá trình phát triển ngôn ngữ chậm hoặc không có.
Với những nội dung trên về lợi ích của sàng lọc khiếm thính đối với trẻ, nhà
trường rất mong cha mẹ phối hợp tốt với nhà trường quan tâm tới sức khỏe của
các con, để các con luôn khỏe mạnh!
Chúc quý phụ huynh cùng các con luôn mạnh khỏe và hạnh phúc!
Trân trọng cảm ơn!
Sau đây là một số hình ảnh: