CÔNG DỤNG CỦA SỮA CHUA VÀ CÁCH SỬ DỤNG
TRONG KHẨU PHẦN ĂN HẰNG NGÀY CỦA TRẺ
Khoa học đã chứng minh, những trẻ được bổ sung probiotic đầy đủ là những bé không bao giờ bị ốm. Và sữa chua vốn từ lâu đã nổi tiếng trong việc tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch cho bé nhờ thành phần probiotic.
Người mẹ nào cũng mong muốn con mình khỏe mạnh và sở hữu một chiều cao lý tưởng. Ít ai biết rằng sữa chua không chỉ bổ dưỡng mà còn giàu canxi giúp trẻ phát triển chiều cao và khỏe mạnh. Để trẻ phát triển chiều cao tốt, yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất phải kể đến việc bổ sung canxi đầy đủ. Đây chính là một trong những lợi thế lớn của sữa chua. Theo Viện dinh dưỡng quốc gia Hoa Kỳ, một hộp sữa chua 250mg có chứa tới 370mg canxi (so với 300mg canxi trong 250ml sữa tươi). Mỗi ngày chỉ cần cung cấp cho cơ thể 226gr sữa chua có nghĩa là đã bổ sung 20% lượng protein cần thiết và 30% đến 40% nhu cầu canxi cho cơ thể.
Thêm vào đó, lượng vitamin D dồi dào trong sữa chua giúp cơ thể dễ hấp thụ canxi hơn. Để trẻ có thể phát triển chiều cao tốt, lượng canxi cần sử dụng hàng ngày là: 270mg (với trẻ từ 1-3 tuổi), 210mg (với trẻ dưới 6 tháng tuổi). Như vậy, chỉ cần tùy theo độ tuổi mà cung cấp cho trẻ mỗi ngày từ 2-3 hộp sữa chua là đã có thể an tâm cung cấp được cho cơ thể một phần lớn nhu cầu canxi đó.
Ngoài ra, phải kể đến một ưu điểm lớn là trong khi một số trẻ "ngán" sữa, sợ uống sữa hoặc do cơ thể thiếu khả năng hấp thu men lactose trong sữa nên dễ gặp vấn đề về tiêu hóa khi uống sữa. Với sữa chua bất kỳ trẻ nào cũng thấy thích thú, ngon miệng vì vị chua chua, beo béo và không gây nên sự khó chịu nào cho hệ tiêu hóa khi dung nạp.
Bên cạnh canxi, sữa chua còn cung cấp cho cơ thể của trẻ một lượng protein, vitamin và khoáng chất lớn. Sữa chua có một giá trị dinh dưỡng khá đáng kể: Trong 100g sữa chua chứa khoảng 100kcal (bằng khoảng 1/2 chén cơm hay 2 trái chuối xanh), có chất đường (15,4g), chất đạm (3,1g), chất béo (3g), canxi và một số loại vitamin như A, D, E... Giúp trẻ tăng cường sức đề kháng.
Bên cạnh việc bổ sung cho trẻ một lượng lớn caxi, vitamin, khoáng chất... để phát triển chiều cao, sữa chua còn giúp trẻ tăng cường sức đề kháng, ngăn ngừa bệnh tật, giữ cho cơ thể trẻ luôn trong trạng thái cân bằng, giúp hấp thụ tốt nhất các dưỡng chất khác. Mỗi ngày trẻ ăn 1 hộp sữa chua sẽ giúp giảm bớt rõ rệt các triệu chứng dị ứng. Những trẻ ăn sữa chua cũng giảm được 25% nguy cơ bị cảm lạnh so với những trẻ không ăn. Ngay cả khi trẻ gặp vấn đề về tiêu hóa, phải hạn chế một số thực phẩm thì sữa chua vẫn được khuyến khích cho trẻ ăn. Hoặc nếu trẻ đang bị viêm họng, chúng ta cũng có thể ngâm ấm sữa chua trước khi cho bé ăn mà vẫn giữ được giá trị dinh dưỡng ban đầu của sữa chua. Lợi thế của sữa chua so với các loại sữa uống khác là quá trình lên men mang đến cho sữa chua một số vi khuẩn như Lactobacillus Acidophilus và Bifido Bacterium, có lợi cho đường ruột, giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn. Chúng ta có thể xem sữa chua là một "bài thuốc" tự nhiên để ngăn ngừa và giảm bớt triệu chứng của những căn bệnh đường ruột phổ biến như: khó tiêu, ợ chua, viêm loét dạ dày... Đặc biệt, với những trẻ thừa cân, béo phì, thì sữa chua lại chứng tỏ ưu thế vượt trội hơn nữa.
Thế nhưng ăn sữa chua như thế nào là đúng cách? Trẻ em nên ăn sữa chua vào lúc nào? Đó lại là vấn đề tưởng chừng như đơn giản nhưng không phải bậc phụ huynh nào cũng hiểu rõ.
1. Không cho trẻ ăn sữa chua khi đói:
Trẻ em nên ăn sữa chua vào lúc nào? Chắc chắn không phải là vào lúc đói. Bởi khi đó dạ dày chứa một lượng lớn axit đủ sức để giết chết những lợi khuẩn có trong sữa chua. Vì vậy nếu bé ăn sữa chua vào lúc này thì tác dụng của sữa chua giảm đi khá nhiều. Hơn nữa khi đói dạ dày co bóp mạnh, tiết dịch nhiều hơn. Từ đó nhanh chóng đào thải thành phần canxi có trong sữa chua và bài tiết xuống ruột. Đây cũng là lý do vì sao một số bé thường thấy đau bụng, mệt mỏi, tay chân run rẩy, yếu ớt sau khi ăn sữa chua vào những lúc đói.
2. Trẻ em nên ăn sữa chua vào lúc nào?
Ăn sữa chua buổi tối: Buổi tối trước khi ngủ chính là thời điểm vàng cho bé ăn sữa chua. Thời điểm này cơ thể hấp thu một cách tối đa canxi có trong sữa chua. Vì vậy, mỗi tối trước 20 giờ các mẹ có thể cho bé ăn 1 hoặc 1/2 hộp sữa chua để bổ sung dưỡng chất, tốt cho hệ tiêu hóa và giúp bé ngủ ngon hơn nhé!
Ăn sau bữa ăn: Trẻ em nên ăn sữa chua vào lúc nào? Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ăn sau bữa cơm 1 – 2 tiếng là câu trả lời hợp lý nhất. Bởi sau bữa ăn, độ pH của dạ dày tăng lên >=4.5. Đây chính là môi trường lý tưởng cho các lợi khuẩn hoạt động tốt, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Nếu ăn trước bữa ăn, dạ dày có độ pH = 2, các vi khuẩn có lợi trong sữa chua chắc chắn sẽ bị tiêu diệt.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý, không cho bé ăn sữa chua vào những lúc bé đang dùng thuốc kháng sinh, ngộ độc thực phẩm hay những khi bé căng thẳng. Nếu không, những thành phần vi sinh hữu ích ở ruột dễ thất thoát.
Hy vọng bài viết này giúp các bậc phụ huynh có thể hiểu rõ được vấn đề trẻ em nên ăn sữa chua vào lúc nào là tốt nhất. Sữa chua có nhiều dưỡng chất cần thiết nhưng chỉ khi cho bé ăn đúng “thời điểm vàng” mới giúp phát huy hết tác dụng của chúng.