MỞ ĐẦU
“Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện tư tưởng nhất quán, kiên định và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng, về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nêu vấn đề gợi mở, định hướng và đưa ra nhiều giải pháp có giá trị quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm vững, quán triệt và tổ chức thực hiện sâu rộng, hiệu quả để góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Song, với góc nhìn phiến diện cùng động cơ chính trị thiếu trong sáng, nhiều thế lực thù địch, phản động đã tìm mọi cách xuyên tạc, phủ nhận giá trị, ý nghĩa của Cuốn sách nói trên nhiều phương tiện khác nhau trong đó có Không gian mạng. Theo chúng, cuốn sách chỉ nhằm “đánh bóng tên tuổi của một cá nhân lãnh đạo”; “nội dung cuốn sách mang tính chất mị dân, ru ngủ quần chúng”; “phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam chỉ là khẩu hiệu, hình thức”, “cuốn sách nói đến thành tích phòng, chống tham nhũng nhưng thực chất là che đậy cuộc đấu đá trong nội bộ Đảng”…Những luận điệu này đã được các thế lực thù địch, phản động ra sức tuyên truyền trên nhiều nền tảng xã hội, tác động đến nhận thức của nhiều tầng lớp nhân dân vì vậy càng trở lên nguy hiểm. Rõ ràng, phía sau các luận điệu này chính là âm mưu thâm độc nhằm hạ thấp uy tín của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói riêng và uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng ta nói chung. Phủ nhận giá trị, ý nghĩa Cuốn sách cũng là thủ đoạn nhằm xuyên tạc, phủ nhận mục đích, ý nghĩa, kết quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng cả hệ thống chính trị đã nỗ lực thực hiện trong nhiều năm qua. Đồng thời, sâu xa hơn là nhằm phủ nhận chủ trương, đường lối của Đảng ta về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phá hoại sự đồng thuận, tạo dựng mâu thuẫn, bất đồng trong nội bộ Đảng, Nhà nước và trong xã hội; làm cho người dân dao động, nghi ngờ vào quyết tâm của Đảng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
NỘI DUNG
1. Không gian mạng và việc sử dụng không gian mạng của các thế lực thù địch
Không gian mạng hay môi trường mạng là hai cách nói khác nhau, nhưng về bản chất không khác nhau vì đều là không gian ảo, nơi con người có thể liên lạc, kết nối, trao đổi, giao tiếp với nhau. Sự phát triển không gian mạng (môi trường mạng) phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng thông tin ở mỗi quốc gia. Hiện nay, ở Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung, không gian mạng rất rộng lớn, hệ thống các mạng đang được sử dụng bao gồm: trình duyệt web (Google, Chrome, Mozilla Firefox , Opera, Safari...); trang web tin tức (VnExpress, Tin tức, Zing news, VTC News...); mạng xã hội (Facebook, Twitter, YuMe, Instagram, Zing me, Youtube, Skype, WeChat, Google Plus, Go.vn...); tìm kiếm, tra cứu (Google map, Bing, Google Docs...); tiện ích (chuyển tiền, việc làm, email, thiệp điện tử...); trang mạng mua bán, kinh doanh, học tập, âm nhạc, giải trí.
Không gian mạng đang phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều lợi ích. Tuy nhiên, do có tính mở, với đặc trưng tự do, đa dạng, bình đẳng, nhiều khi bị xóa nhoà ranh giới giữa thực và ảo, vì vậy không gian mạng mang đến không ít thách thức đối với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Chúng đã và đang trở thành công cụ hàng đầu để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá chế độ, chống phá Đảng và Nhà nước ta. Để thực hiện ý đồ của mình, các thế lực thù địch đã và đang sử dụng nhiều phương tiện, bằng nhiều con đường và với nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm mục đích làm cho đại đa số nhân dân Việt Nam mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước, reo rắc tâm lý hoài nghi, bất bình trong xã hội.
Về hình thức chống phá, các thế lực thù địch chủ yếu thông qua qua các phương tiện truyền thông, internet, blog, mạng xã hội, duy trì sử dụng hàng chục đài phát thanh chương trình Việt ngữ, hàng trăm báo, tạp chí, nhà xuất bản tiếng Việt, hàng ngàn website, blog... để liên tục phát tán những thông tin xấu, độc, xuyên tạc, chống phá gây tác động xấu đến tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chúng lập ra nhiều trang web mạo danh các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, một số nhân vật được xã hội chú ý hoặc nhân danh “đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực”, “bảo vệ môi trường”, “phản biện xã hội”, “hiến kế cho Đảng”… để trích dẫn, bình luận, xuyên tạc, hạ uy tín, làm mất niềm tin của quần chúng nhân dân với Đảng, Nhà nước. Đồng thời, đưa lên internet và mạng xã hội những mặt trái của xã hội, khai thác những thông tin tiêu cực, không chính thống, chưa rõ ràng để dẫn dắt, hướng lái dư luận theo chiều hướng tiêu cực, làm cho người đọc mơ hồ, mất cảnh giác nhằm mục đích tạo nên sự hoài nghi, phản kháng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, từ đó, chuyển hóa dần sang tư tưởng sai trái, phản động, thù địch. Chúng còn xuất bản các xuất bản phẩm có nội dung xấu, độc; biên soạn tài liệu, video lồng ghép nội dung thổi phồng, xuyên tạc, bóp méo sự thật. Các thế lực thù địch tiếp tục tổ chức viết nhiều tài liệu, “tác phẩm” dưới dạng văn học nhằm dựng chuyện, vu cáo, bôi nhọ, … Đối tượng tác động của hoạt động tuyên truyền chống phá của các thế lực thù địch, phản động chủ yếu là trí thức, văn nghệ sĩ; cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ hưu trí, cán bộ, đảng viên có biểu hiện bất mãn, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa; thế hệ trẻ, nhất là học sinh, sinh viên; người lao động.
Những quan điểm, thông tin sai trái, thù địch, bịa đặt, bóp méo, xuyên tạc sự thật, lẫn lộn đúng sai, thật giả hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, thông tin chưa được kiểm chứng gây ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức… được coi là thông tin sai trái, thù địch. Thông tin sai trái đang lan tràn trên mạng Internet ở nước ta hiện nay là rất đa dạng, nhiều hình thức. Bởi, với những mưu đồ khác nhau, các đối tượng sẽ tìm cách “xây dựng”, “cung cấp” thông tin với những nội dung và dạng thức khác nhau. Theo các đối tượng chống phá thì Chống tham nhũng của Việt Nam chỉ là “trò đánh trống, khua chiêng nhằm che mắt thế gian”, thực chất là “đấu đá nội bộ”, “thanh trừng phe phái”; hay đó chỉ là những cách Đảng “che mắt thế gian theo kiểu đánh ai và ai đánh?”, “ta đánh mình, mình đánh ta”, hay “cộng sản chỉ nói chứ không dám làm”. Đài RFA đăng tải bài viết có nhan đề “Có ai tin câu: Chống tham nhũng ở Việt Nam không có vùng cấm”, hay VOA “Một cuộc “thanh trừng” trong Đảng ở Việt Nam”. Cũng có những người do nhận thức mơ hồ hoặc có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nên cho rằng nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm, làm “chậm” sự phát triển đất nước. Để chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam thì mọi khía cạnh trong xã hội đều có thể bị lợi dụng để xuyên tạc và phòng chống tham nhũng cũng không tránh khỏi. Những năm qua Đảng ta đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng thì cũng chừng ấy năm luận điệu như vậy được tung ra, đặc biệt trên không gian mạng với mục đích không gì hơn là nhằm tạo ra những nghi kị giữa Đảng và người dân và ngay trong nội bộ những cán bộ, đảng viên với mục đích của cuộc chiến chống tham nhũng.
Thực tế đã chứng minh điều mà những đối tượng phản động rêu rao đó là hoàn toàn vô căn cứ.
Theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội thuộc Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên Giáo Trung ương) về tác động của các quan điểm sai trái thù địch tới tâm trạng cán bộ, đảng viên và nhân dân thì có tới 33% đối tượng cán bộ, 45% đối tượng nhân dân được hỏi đã trả lời: “Các thông tin xuyên tạc, vu cáo, bịa đặt, nói xấu Đảng, nói xấu chế độ, bôi nhọ lãnh đạo của các thế lực thù địch, các tổ chức người Việt phản động ở bên ngoài đã tác động lớn đến sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, lý tưởng xã hội chủ nghĩa trong xã hội ta hiện nay [2].
Một số cán bộ, đảng viên suy giảm lòng tin đối với chủ nghĩa xã hội, thiếu niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, hoang mang, dao động, mất phương hướng hoặc muốn đi theo hướng phát triển tư bản chủ nghĩa. Nguy hiểm hơn, do tác động của các quan điểm sai trái, thù địch nên một số cán bộ, đảng viên không chỉ dừng lại ở nhận thức mơ hồ, mất cảnh giác mà tính chiến đấu của người đảng viên cũng bị tê liệt, thậm chí có một số trường hợp còn tham gia vào việc truyền bá, phát tán các tài liệu có quan điểm sai trái.
Bên cạnh đối tượng là cán bộ, đảng viên, điểm đặc biệt trong các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch hiện nay là tìm mọi cách tập hợp những người có trình độ cao nhưng thiếu bản lĩnh chính trị, suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống để tấn công trực tiếp vào nền tảng tư tưởng của Đảng, từ đó thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng và trong xã hội, tiến tới làm tan rã Đảng Cộng sản Việt Nam. Có thể kể ra người gần đây nhất là GS Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tri thức thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Đáng chú ý là các thế lực thù địch cũng rất chú trọng đến tầng lớp thanh niên, sinh viên. Đây là tầng lớp xã hội đặc thù, đang trong quá trình định hình nhân cách, đạo đức và lối sống. Đồng thời họ là những người tràn đầy sức sống, có hoài bão, ước mơ, năng động, được đào tạo một cách cơ bản, toàn diện theo tất cả các chuyên ngành; họ nhạy bén với cái mới, nắm trong tay tri thức thời đại, nhanh nhạy trong việc tiếp thu các thông tin mới cũng như những luồng tư tưởng mới trong xã hội, song khả năng chọn lọc còn có những hạn chế, chưa hiểu sâu về chính trị, lập trường tư tưởng chưa vững vàng nên dễ dao động, dễ bị lôi kéo. Lợi dụng điều này, các thế lực thù địch đã sử dụng nhiều biện pháp, cách thức, đặc biệt khi internet và mạng xã hội phát triển, nhằm tác động tới thanh niên, sinh viên, thực hiện chiến lược diễn biến hòa bình với mục tiêu chống phá cách mạng trong hiện tại và tương lai.
2. Làm chủ không gian mạng là yêu cầu cấp thiết hiện nay
Theo thống kê của cơ quan chức năng, Việt Nam là quốc gia có số người sử dụng internet, mạng xã hội lớn so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tính đến năm 2017, Việt Nam đã có khoảng 64 triệu người dùng internet, chiếm 67% dân số cả nước, cao thứ 12 trên thế giới và thứ 6 châu Á; có khoảng 55 triệu người sử dụng các nền tảng mạng xã hội, nằm trong nhóm nước có lượng người dùng lớn nhất thế giới. Đối với mạng xã hội, Việt Nam đã có hơn 70 triệu người dùng zalo, 48 triệu người dùng Facebook và là 1 trong 10 nước có số người dùng Youtube cao nhất thế giới, trong số đó, sinh viên, trí thức trẻ là lực lượng đông đảo, thường xuyên nhất với khoảng trên 80% vào mạng mỗi ngày [2].
Sự phát triển của internet góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích mà internet mang lại thì mặt trái của nó là không hề nhỏ, đặc biệt là các thế lực thù địch đã triệt để tận dụng mạng internet, coi đây là “mảnh đất mầu mỡ” để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá cách mạng Việt Nam.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trong thời kỳ mới, Đại hội XII của Đảng xác định một trong những phương hướng, nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng là phải tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch. Cụ thể hóa yêu cầu của Đại hội, Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ đã đề ra mục tiêu: “Nhận thức sâu sắc về nguy cơ, nhận diện đúng những biểu hiện và đề ra các giải pháp phù hợp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”. Tiếp đó, tại Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” đã xác định bảy nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trọng tâm là tiếp tục làm cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; làm cho chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; đổi mới nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đối với các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, nhằm nâng cao sức đề kháng, khả năng chủ động đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch. Ðại hội XIII của Ðảng tiếp tục đề cập trực tiếp và nhấn mạnh việc quản lý và phát triển thông tin trên không gian mạng, trong đó có việc đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch: “Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên Internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục”.
Trong giai đoạn hiện nay, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” để chống phá cách mạng nước ta. Sự công kích, chống phá ngày càng quyết liệt khi họ dựa vào hiện thực là sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới vào cuối thế kỷ thứ XX và những khó khăn trong quá trình xây dựng chế độ xã hội mới những năm vừa qua. Với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc lợi dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để chống phá cách mạng Việt Nam càng trở nên tinh vi, phức tạp với mức độ nguy hiểm khó lường. Vì vậy, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội là nhiệm vụ vô cùng cấp bách hiện nay.
Đứng trước những thách thức của thông tin sai trái trên mạng Internet, cần phải có những biện pháp hữu hiệu để giáo dục, định hướng nhận thức cho mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, giúp họ trở thành một “chiến sĩ” trong “mặt trận” đấu tranh đối với thông tin sai trái, thù địch trên không gian mạng. Để đạt được mục tiêu đó, trước mắt cũng như lâu dài cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản:
Trước hết, về phía các cơ quan quản lý nhà nước, cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với sự phát triển nhanh và mạnh của Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng, ngăn chặn từ gốc nguồn phát tán thông tin sai trái, thù địch.
Nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật với các điều khoản cụ thể, rõ ràng, sát thực, phù hợp, theo kịp tốc độ biến động của truyền thông xã hội... thay vì chỉ dừng ở quy tắc điều chỉnh mang tính khuyến nghị đạo đức và văn hóa. Bởi lẽ, khi các ràng buộc pháp lý không cụ thể, rõ ràng và đủ mạnh thì các quy tắc đạo đức, văn hóa cũng rất khó để đi vào cuộc sống. Trước mắt cần tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Luật an toàn thông tin mạng và Luật an ninh mạng vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 5 ngày 12-6-2018, chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019.
Xây dựng các giải pháp kỹ thuật mang tính chủ động, kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trên cơ sở các dự báo khoa học về sự phát triển của internet và mạng xã hội với phương châm khuyến khích mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực. Kiên trì nguyên tắc là các nhà mạng, nhà cung cấp dịch vụ, khai thác dịch vụ nhất là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải có trách nhiệm tuân thủ luật pháp Việt Nam, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về truyền thông, internet và thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trên lĩnh vực này. Chủ động phát hiện những hành vi sai phạm, xu hướng lệch lạc của một số phóng viên, nhà báo thoái hóa, biến chất; phát hiện các tài liệu, bài viết tuyên truyền các luận điệu xuyên tạc, thù địch để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời. Đấu tranh, ngăn chặn các trang mạng độc hại, các blog “đen” thường đăng tải các tin, bài, phim ảnh có nội dung xấu, độc hại, trái ngược với quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Mặt khác, tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trách nhiệm cho mọi cán bộ, đảng viên, quần chúng về nhiệm vụ đấu tranh, phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng. Tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, “nhận diện” rõ âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù trong việc sử dụng không gian mạng để chống phá cách mạng nước ta. Từ đó có tinh thần cảnh giác cao, có nhãn quan chính trị đúng đắn, đủ sức “phản biện” trước các thông tin xấu, độc trên không gian mạng. Phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng. Lực lượng này là những cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ, năng lực tốt, có nhiệt huyết, dũng khí, quyết tâm đấu tranh để bảo vệ Ðảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, cần tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp trong đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trong Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.
Theo con số công bố của Bộ Công an, trong những năm qua có 2.730 webside, blog, trang mạng của cá nhân lập ra để tuyên truyền, xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước, chống tiêu cực, tham nhũng và các cơ quan chức năng. Theo đó, tựu trung lại các thế lực phản động tập trung vào ba luận điệu: Phớt lờ thành quả phòng chống tham nhũng của Việt Nam và cho rằng Ban chỉ đạo TW, BCĐ cấp tỉnh là đi dọn hậu quả của chế độ đẻ ra tham nhũng; lợi dụng những khó khăn trong quản lý kinh tế, trong xây dựng chỉnh đốn Đảng và quản lý các mặt của xã hội và quy về bản chất chế
độ, trong khi đó hàng trăm quốc gia trên thế giới trong các thời đại, trong các gia đoạn phát triển đều phải đối mặt với vấn đề này; quy chụp tất cả thành màu xám, đánh lận con đen. Tuy nhiên, thực tế khách quan đã bác bỏ hoàn toàn những luận điệu xuyên tạc, những âm mưu mà chúng đã, đang chuẩn bị hành động chống phá. Hiện nay, Việt Nam đang đứng thứ 68 trong số 120 quốc gia và vùng lãnh thổ về chống tham nhũng. Điều đó cho thấy nếu các thế lực càng chống phá thì sự nghiệp đại cuộc này của chúng ta càng mạnh mẽ.
KẾT LUẬN
“Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là công trình rất giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn; là “cẩm nang quan trọng” về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cuốn sách cũng góp phần quan trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch tấn công vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta; giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu đúng về mục tiêu của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, từ đó giữ vững, củng cố niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của Nhà nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận giá trị, ý nghĩa to lớn của Cuốn sách mà các thế lực thù địch, phản động cố tình rêu rao trên không gian mạng là hoàn toàn sai trái, phiến diện, cần bị vạch trần và đấu tranh bác bỏ. Phát huy giá trị to lớn của cuốn sách trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên các phương tiện thông tin trong đó có môi trường mạng là việc làm cấp thiết.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
[2]. Nguyễn Viết Thông (2005), Nhận dạng các quan điểm sai trái, thù địch về lý luận, Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, Hà Nội.
[3]. Chủ động đấu tranh với các quan điểm sai trái trên mạng xã hội, http://www.bienphong.com.vn/chu-dong-dau-tranh-voi-cac-quan-diem-sai-trai-tren-mang-xa-hoi/
Tiên Dược, ngày 03 tháng 5 năm 2024
Người viết
Nguyễn Thị Tuyết Nhung