THAM QUAN, HỌC TẬP XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG NHÓM LỚP THEO PHƯƠNG PHÁP STEAM
TẠI TRƯỜNG MN TIÊN DƯỢC C
STEAM là gì?
STEAM là sự kết hợp giữa STEM và Art (Nghệ thuật sáng tạo). STEM tích hợp các yếu tố về Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Math (Toán học) không chỉ giúp trẻ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể rút ngắn khoảng cách giữa kiến thức hàn lâm tới thực hành để tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày.
Vì sao nên chọn phương pháp STEAM thay vì giáo dục truyền thống?
Theo phương pháp STEAM thì toàn bộ các kiến thức và kỹ năng của 5 chuyên ngành được đề cập ở trên sẽ được tích hợp, bổ trợ cho nhau nhằm biến lý thuyết hàn lâm thành ứng dụng thực tế. Dựa trên cơ sở đó, người học sẽ có đầy đủ kỹ năng và kiến thức để áp dụng trong khi làm việc trong thế giới công nghệ ngày nay.
Chữ “A” có trong STEM là một thuật ngữ đại diện cho nghệ thuật (nghệ thuật tự do, nghệ thuật ngôn ngữ, nghệ thuật thể chất), nghiên cứu xã hội, âm nhạc và mỹ thuật. Khi trẻ áp dụng tư duy sáng tạo thông qua nghệ thuật cho các dự án STEAM, những khái niệm lý thuyết sách vở tưởng chừng như khô khan, khó hiểu sẽ trở nên thú vị hơn và được chứng minh bằng chính những trải nghiệm của người học.
Tóm lại, các bậc phụ huynh nên lựa chọn phương pháp STEAM trong giáo dục mầm non thay vì phương pháp dạy học truyền thống là bởi các lý do sau đây:
- Cơ hội học tập trải nghiệm.
- Cơ hội về kiến thức, kỹ năng trong thực tế cuộc sống, tạo ra những sản phẩm ý nghĩa.
- Khuyến khích trẻ khám phá, tìm tòi: Con biết gì về nó? Muốn biết thêm gì? Làm thế nào để biết?
- Phát huy năng lực tư duy sáng tạo, tư duy logic và khả năng giải quyết vấn đề.
- Khơi dậy niềm yêu thích của trẻ với các bộ môn Khoa học, Công nghệ, Toán và làm tiền đề thuận lợi cho các bậc học sau.
Tưởng chừng việc ứng dụng STEAM trong giáo dục mầm non là một thứ gì đó khá mơ hồ, rất khó khăn khi thực hiện. Nhưng các bậc phụ huynh hãy yên tâm vì thực chất những hoạt động STEM vô cùng đơn giản và gần gũi đấy ạ.
Chẳng hạn như cho trẻ đi bộ và khám phá mọi thứ trên hành trình mà chúng bắt gặp sẽ là một trải nghiệm rất thú vị cho STEAM. Cô giáo sẽ giúp trẻ chuẩn bị những chiếc túi xinh xinh để mang theo mình và thu nhặt những chiếc lá, những viên đá hay những loại hạt…Thành phẩm thu được sẽ được các em tự sắp xếp, phân loại theo màu sắc, hình dạng, kích thước…Một hoạt động đơn giản như thế này thôi cũng đã giúp trẻ vận dụng các kỹ năng toán học và khoa học trong đó rồi đấy các bố mẹ.
Hay như việc cho trẻ STEAM với nước, cô giáo sẽ chuẩn bị sẵn cho trẻ một chậu nước nho nhỏ với các dụng cụ đi kèm là chai rỗng, cốc đo…sau đó để cho mỗi trẻ thử nghiệm việc đổ đầy nước và so sánh nó. Hoạt động này sẽ giúp trẻ áp dụng được các kỹ năng toán học, khoa học và kỹ thuật đấy ạ.
Hoặc đơn giản như cô giáo sẽ đưa ra các thử thách, cho trẻ tự xây dựng một mô hình kim tự tháp làm bằng giấy, cốc nhựa, chai nhựa….Sau đó yêu cầu trẻ đo đạc chiều cao của tháp và đếm số lượng cốc, chai, ly nhựa để xây tháp…Từ đó mà bé đã vận dụng được kỹ năng toán học, kỹ thuật vào với nhau một cách hiệu quả.
Song song với các hoạt động, cô giáo sẽ đưa ra những câu hỏi khác nhau để giúp trẻ tăng hiểu biết, kinh nghiệm, ví dụ như: “con gì đây con?”, “con có thể kể cho cô nghe cách con xây ngôi tháp này như thế nào không?”, “chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta cho bột nở vào nước con nhỉ?”, “quả cam này hình tròn đúng không con?”…
Các phụ huynh cũng biết đấy, trẻ mầm non không học lý thuyết hàn lâm, qua những bài giảng mà trẻ sẽ học qua chính những trải nghiệm mọi thứ diễn ra trong cuộc sống thực. Trẻ mầm non tư duy trực quan nên cho trẻ quan sát và tự thực hiện các thí nghiệm, các cô giáo sẽ tập trung đặt cho trẻ những câu hỏi để trẻ nói ra những suy nghĩ về những gì mà trẻ quan sát thấy được nghe được.
Như vậy, những lợi ích mà phương pháp STEAM có thể mang lại cho trẻ là vô cùng lớn, nhưng để tiếp cận dạy học theo phương pháp này cũng không phải là điều dễ dàng. Nhưng chắc chắn khi trẻ được tiếp cận với phương pháp này, bạn sẽ thấy sẽ rất say sưa, tập trung, tìm tòi khám phá và khơi gợi niềm đam mê, nhiệt huyết của trẻ.
Hình ảnh CB-GV-NV Trường mầm non Tiên Dược A đi tham quan thực tế: