Truyện “Sự tích cây vú sữa”
Ngày xửa ngày xưa, có một cậu bé mồ côi cha từ nhỏ nên rất được mẹ cưng chiều. Một hôm cậu không nghe lời mẹ nên bị mẹ la mắng. Cậu vùng vằng bỏ nhà ra đi và bỏ mặc mẹ của cậu đau buồn và mong ngóng cậu trở về.
Cậu la cà khắp nơi và bị lạc đường lúc nào không hay. Đến lúc cảm thấy sợ hãi và đói bụng, cậu mới nhớ đến mẹ. Cậu lang thang khắp nơi và vật vả với cơn đói rất khổ sở. Mẹ của cậu ngày ngày ra cổng mòn mỏi chờ con trở về nhưng mãi chẳng thấy con đâu. Vì quá kiệt sức và đau buồn nên bà đã gục xuống và hóa thành một cây xanh.
Ngày ngày trôi qua, cậu bé lân la tìm đường về nhà. Về đến nhà, cậu khản tiếng gọi mẹ nhưng không có ai trả lời. Cậu chỉ nhìn thấy một cây xanh tươi tốt. Cậu tựa vào gốc cây và òa khóc nức nở vì hành động của mình.
Lạ lùng thay, cây xanh bỗng run rẫy. Từ các cành lá, những đài hoa bé tí trổ ra, nở trắng như mây. Hoa tàn, quả xuất hiện, lớn nhanh, da căng mịn, xanh óng ánh rồi chín. Cây nghiêng cành, một quả to rơi vào tay cậu bé. Môi cậu vừa chạm vào, một dòng sữa trắng sóng sánh trào ra, ngọt thơm như sữa mẹ.
Cây rung rinh cành lá, thì thào: “Ăn trái ba lần mới biết trái ngon. Con có lớn khôn mới hay lòng mẹ”. Cậu òa khóc và ôm lấy thân cây xù xì, thô ráp vì giờ đây mẹ đã không còn nữa. Cậu bé ân hận và kể lại chuyện của mình cho mọi người nghe. Ai cũng thích loại trái cây thơm ngon ở vườn nhà cậu, họ đem về gieo trồng khắp nơi và đặt tên là Cây vú sữa.
Thông qua câu chuyện, bố mẹ có thể dạy bé ý nghĩa của sự vâng lời và hiếu thảo. Khi giáo dục trẻ, một trong những vấn đề khó khăn nhiều cha mẹ gặp phải là dạy con biết vâng lời. Kết hợp kể chuyện chính là một trong những cách dạy trẻ biết vâng lời rất hiệu quả mà chúng ta nên áp dụng. Một câu chuyện ví dụ điển hình như Sự tích cây vú sữa sẽ khiến bé nhớ lời chúng ta dạy một cách sâu sắc hơn.