Cuộc sống quanh ta có những con người rất bình dị nhưng những con người như vậy lại khiến nhiều người phải nhớ khi nhắc đến, đó là những tấm gương sáng cho chúng ta học tập và noi theo. Đúng như vậy. Trong mắt tôi có một người cũng bình dị như bao con người bình dị khác nhưng đã khiến tôi rất ngưỡng mộ bởi sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, lòng nhiệt tình và giàu lòng nhân ái của một cô giáo đã nhiều năm cống hiến trong nghề nuôi dạy trẻ đó là cô Nguyễn Thị Thêm bí thư chi bộ- hiệu trưởng trường mầm non Tiên Dược A.
Gần 35 năm, đó là một quãng thời gian không hề ít ỏi mà cô Nguyễn Thị Thêm bí thư chi bộ- hiệu trưởng nhà trường đã cống hiến cho bậc học mầm non. Trong những thời gian đầu công tác, cô là một cô nuôi dạy trẻ tại trường mâm non Liên Cơ huyện Sóc Sơn.Có thể nói, nghề nuôi dạy trẻ là nghề “làm dâu trăm họ” rất vất vả mà trách nhiệm nặng nề. Thế nhưng cô không hề nản lòng.
Học trung cấp Sư phạm mẫu giáo ra trường, cô vào làm giáo viên mẫu giáo tại công ty xây dựng Thủy lợi II. Bốn năm làm cô giáo mầm non tại một công ty xây dựng là cả một chặng đường khó khăn vất vả. Lúc đó cô có con nhỏ, chồng cô lại ở xa gia đình, đồng lương thì ít ỏi, thiếu thốn đủ đường…Mặc dù vậy nhưng cô giáo mầm non không hề nản long, ngược lại cô luôn chịu khó tìm tòi, học hỏi đồng nghiệp để tích lũy kiến thức cho bản thân.Năm 1889, để thuận lợi cho công việc gia đình, cô được chuyển về làm giáo viên mầm non tại trường mầm non Liên Cơ huyện sóc Sơn và được phân công dạy chủ nhiệm lớp mẫu giáo 5- 6 tuổi. Về môi trường mới, côluôn cố gắng đem hết tình yêu thương, sự tâm huyết và kiến thức đã được học tập của mình, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ được giao. Mặt kháckhông ngừng học tập trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp để vận dụng vào chuyên môn,
Ngoài kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ thì điều quan trọng nhất mà một giáo viên mầm non phải có đó là tình thương yêu, lòng nhân ái, tính chịu khó, kiên trì bởi trẻ ở lứa tuổi mầm non là lứa tuổi các con rất hiếu động, tinh nghịch và rất dễ bắt chước người lớn. Vì vậy, để hình thành nên những thói quen, nhân cách tốt cho trẻ thì cô giáo cũng phải có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, trung thực, giàu lòng nhân ái, lời nói, sự giao tiếp, thái độ, cách ứng xử với đồng nghiệp, với phụ huynh đặc biệt là với trẻ sao cho chuẩn mực và luôn luôn phải là tấm gương sáng cho trẻ noi theo.
Nụ cười tươi, ánh mắt trìu mến lúc nào cũng hiện trên khuôn mặt cô, từ sáng sớm đón trẻ tới lớp, đến khi chiều muộn đưa các con ra về với gia đình, khiến phụ huynh đều rất yên tâm. Cô chăm chút các con như là một sở trường và năng khiếu của cô… Trên cương vị là một cô giáo, cô đã dành trọn tình yêu thương cho những tâm hồn ngây thơ. Với cô, tất cả đều là sự yêu thương và chân thành.
Với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ và sự cố gắng học hỏi cùng tài năng của mình, cô đã gặt hái được nhiều thành tích trong sự nghiệp trồng người:Cô đã đạt các giảicao trong các hội thi giáo viên giỏi các cấp. Ba lần đạt giáo viên dạy giỏi cấp thành phố. Trong đó năm 2001 đạt giải nhì hội thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố.07 lần có sáng kiến kinh nghiệm được Sở giáo dục đào tạo Hà Nội xếp giải.
Kết quả công tác của cô đã được phụ huyng, tập thể giáo viên và lãnh đạo các cấp ghi nhận.Năm 2006 là năm đánh dấu một bước ngoặt mới của cô trong sự nghiệp trồng người. Với sự tin tưởng của lãnh đạo ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn, tháng 8/2006 cô được phân công về một trường mầm non nông thôn đó là trường Mầm non Trung Giã. Ngôi trường mới cách nhà cô 7 km với nhiều những khó khăn chồng chất, nhưng đó lại là quê hương, nơi sinh ra cô. Khi được lãnh đạo giao nhiệm vụ, tâm lý cô xáo trộn giữa một nơi làm việc bình yên thuận lợi và một môi trường mới nhiều khó khăn. Nhưng cô thầm nghĩ: Quê hương đang cần, mình cần làm điều gì đó thể hiện tình cảm “uống nước nhớ nguồn” của một người con và cô đã quyết định về quê cống hiến. Khi đó cả trường chỉ có mình cô là Ban giám hiệu nhưng lại phụ trách và quản lý 11 khu lẻ, nhiệm vụ cao cả nhưng vô cùng nặng nề. Một môi trường hoàn toàn mới cả về lĩnh vực công tác, con người, địa bàn…Ở một cương vị mới với vai trò lãnh đạo, cô không trực tiếp đứng lớp nữa nhưng cô vẫn luôn tích cực học hỏi, trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, cùng tập thể cán bộ, giáo viên tìm giải pháp đê lập lại kỷ cương, nề nếp, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, thực hiện tốt các cuộc vận động lớn, các phong trào thi đua của ngành và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Dưới sự chỉ đạo, dẫn dắt của cô và sự cố gắng nỗ lực không ngừng của tập thể giáo viên, trường mầm non Trung Giã đã thực sự khởi sắc. Mỗi năm thành tích của nhà trường lại được đắp dày thêm. Nhà trường đã trở thành một điểm sáng của cấp học mầm non huyện sóc sơn nói riêng và thành phố Hà Nội. Từ năm 2007 đến năm 2013 nhà trường liên tục có giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp thành phố. Đặc biệt, cô giáo Phạm Nữ Trân Huyền đạt giải nhất giáo viên dạy giỏi cấp thành phố và cô giáo Nguyễn Thị Thu Huyền đạt giải nhì. Năm 2010 nhà trường được công nhận là trường chuẩn quốc gia mức độ 1. Từ năm 2010 đến năm 2015 nhà trường liên tục được chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tăng danh hiệu tập thể lao động tiên tiến xuất sắc. 2 lần được ủy ban nhân dânthành phố Hà Nội tặng Bằng khen. Đặc biệt năm 2014 nhà trường vinh dự được Thủ tướng chính phủ tạng Bằng khen.
Để ghi nhận sự cống hiến lớn lao và cao cả của cô. Bản thân cô cũng nhận được những thành tích rất đáng tự hào đó là. Từ năm 2006 đến năm 2016 liên tục đạt chiến sỹ thi đua cấp cơ sở; 2 lần được Giám đốc Sở giáo dục đào tạo Hà Nội tặng Giấy khen. 2 lần được chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tăng Bằng khen. Đặc biệt, năm 2014 cô vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng chính phủ.
Năm 2015, khi tuổi đã gần về hưu, những năm cuối của chặng đường công tác, cô muốn ở lại cống hiến tiếp cho quê hương, nơi mình sinh ra. Tuy nhiên, vì lúc này khi Đảng đang cần, tháng 9/2015 cô trở về ngôi trường mới đó là trường mầm non Tiên Dược A được tách ra từ trường mầm non Tiên Dược. Một lần nữa ủy ban nhân dân huyện cần người quản lý bản lĩnh, tận tụy và giàu kinh nghiệm để đứng đầu dẫn dắt tập thể ngôi trường mới ngày một đi lên và phát triển, nên đã điều động cô giữ chức hiệu trường, bí thư chi bộ trường mầm non Tiên Dược A. Trên cương vị lãnh đạo mới về trường cô Nguyễn Thị Thêm cũng gặp khó khăn khi cơ sở vật chất còn thiếu thốn, đội ngũ giáo viên, nhân viên trẻ năng động, đầy nhiệt huyết nhưng chưa có kinh nghiệm nhiều. Cô phải dành nhiều thời gian để làm quen với trường với các giáo viên, nhân viên trong trường.Nhưng khi tiếp xúc với cô tôi nhận thấy ở cô sự gần gũi, thân thiết, ân cần, nhẹ nhàng và kinh nghiệm. Với giáo viên mầm non thì kỹ năng nghề là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất.Ở ngôi trường mới này, cô đã xây dựng kế hoạch cá nhân cho riêng mình. Bắt tay ngay vào việc xây dựng cơ sở vật chất và bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên, nhân viên. Sắp xếp lịch thăm lớp dự giờ giáo viên, nhân viên một mặt để làm quen tìm hiểu về giáo viên, một mặt thăm nắm, đánh giá trình độ chuyên môn của giáo viên để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên. Cô sắp xếp lịch để cùng với các giáo viên trên lớp trực tiếp tham gia các hoạt động của lớp như giờ đón trẻ, giờ hoạt động học, giờ ăn, giờ ngủ để hướng dẫn,chỉ ra những ưu điểm, tồn tại của các giáo viên, giúp chúng tôi có thể phát huy được những điểm mạnh và đưa ra những lời khuyên bổ ích giúp chúng tôi chăm sóc và giáo dục trẻ được tốt hơn.
Ở một ngôi trường mới, mọi công việc dù vất vả dù khó khăn cô vẫn là người tiên phong, gương mẫu đi đầu để làm tấm gương sáng cho cán bộ giáo viên nhân viên trong trường noi theo. Mọi công việc trong trường cô luôn là người sát sao, quan tâm và động viên cán bộ giáo viên cùng chung sức, tập trung trí tuệ nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ cũng như giữ vững chữ "Tâm" trong nghề. Cô đã giúp cho chúng tôi hiểu bản thân người giáo viên mầm non ngoài sự ân cần chăm sóc cần có một sự linh hoạt, khéo léo trong mọi cử chỉ, hành động, giao tiếp đấy cũng là cả một nghệ thuật.
Còn đối với trẻ, dù không trực tiếp chăm sóc trẻ nhưng cô vẫn luôn dành tình yêu thương, sự quan tâm với nụ cười và ánh mắt trìu mến. Với lời dạy của Bác “Trẻ em như búp trên cành. Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”, Cô luôn mong muốn để các con “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, rất nhiều những hoạt động ở trường lôi cuốn trẻ như: Cuộc thi cô sáng tạo bé tài năng tổ chức năm học 2016-2017 được phụ huynh học sinh, các con và giáo viên nhiệt tình hưởng ứng. Cuộc thi vẽ tranh dành cho các con ở tất cả các độ tuổi; Hội chợ quê em… các ngày lễ hội tổ chức có tính quy mô, sáng tạo giúp trẻ hứng thú tham gia phát huy được khả năng và tính tích cực cho trẻ.
Về cơ sở vật chấtcô Nguyễn Thị Thêm rất quan tâm, tạo môi trường xanh – sạch – đẹp, cảnh quan của trường Mầm non Tiên Dược A với mục tiêu đề ra là “Cô mẫu mực, trẻ chăm ngoan, trường khang trang, lớp thân thiện”.
Sau gần 3 năm chính thức đi vào hoạt động, trường mầm non Tiên Dược A đã từng bước khẳng định chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, cơ sở vật chất khang trang với nhiều thiết bị, đồ dùng phục vụ cho công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ hiện đại, các phòng học được đầu tư đầy đủ các thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy, Cảnh quan môi trường sư phạm đẹpvới nhiều cây xanh, cây cảnh, sân chơi rộng thoáng mát có đầy đủ đồ chơi cho trẻ tham gia hoạt động ngoài trời. Chất lượng về chuyên môn của đội ngũ giáo viên, nhân viên có những bứt phá rõ dệt thể hiện qua các hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện hằng năm có nhiều tiết dạy sáng tạo, độc đáo thu hút được sự tích cực tham gia của trẻ và đạt hiệu quả cao. Được phụ huynh, nhân dân địa phương và lãnh đạo các cấp ghi nhận.
Một điều đáng quý ở cô đó là tình cảm mà cô dành cho đồng nghiệp – một sự lắng nghe chia sẻ và cảm thông sâu sắc. Cô dành cho chúng tôi những lời động viên, khích lệ, góp ý chân thành nhất.Cô luôn quan tâm đến hoàn cảnh, nguyện vọng của từng cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường, cảm thông chia sẻ, tạo điều kiện để họ công tác tốt.Đó không đơn giản là quan hệ lãnh đạo với cấp dưới mà là tình bạn, tình đồng nghiệp, tình chị em. Đối với tập thể sư phạm nhà trường, cô thật sự là người dễ gần gũi, thân thiện, sống tình cảm chân tình, luôn quan tâm chia sẻ với đồng chí đồng nghiệp. Với hàng xóm, láng giềng cô luôn quan tâm, giúp đỡ mọi người khi gặp khó khăn, tích cực cùng nhân dân trong khu phố xây dựng khu dân cư văn hóa.
Ai đó đã từng nói: “Mỗi thầy cô giáo như ngọn nến đốt chính mình để soi rọi cho người khác”. Không hiểu sao mỗi lúc ngẫm nghĩ về câu nói ấy, trong lòng tôi lại nghĩ đến cô. Đối với chúng tôi, cô không chỉ là một lãnh đạo nhiệt huyết, tận tâm, đầy năng lực, người bạn thẳng thắn, chân tình mà còn là một tấm gương sáng về đạo đức nghề nghiệp để chúng tôi học tập, noi theo và tiếp tục rèn luyện, cống hiến cho mái trường mầm non Tiên Dược A thân yêu.
Cuộc “hành trình trồng người” của cô không còn dài. Đã đến lúc mọi sự cống hiến của cô đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và cho cô hưởng chế độ của tuổi đã “xế chiều”. Nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11. Con chúc cô có nhiều sức khỏe, hạnh phúc và luôn là người tiếp lửa cho chúng con trong sự nghiệp trồng người cao cả!
Sóc sơn, ngày 18 tháng 11năm 2018
Người viết
Dương Thị Quyên