Kỹ năng sống cho trẻ mầm non đầu tiên và quan trọng nhất đó là việc : Tự ăn
Trẻ nên học cách tự ăn ngay từ nhỏ, không nên dựa dẫm người khác. Điều này sẽ thúc đẩy tính tự lập và bản năng sinh tồn trong người bé. Sau khi trẻ đã được 1 tuổi, ngồi vững và biết cầm nắm, bố mẹ nên tạo cơ hội để trẻ tự xúc thức ăn, cầm thức ăn để ăn; biết ăn được cái gì, không ăn được cái gì.
Ban đầu thường khá khó khăn, thông thường phải đến khi 3-4 tuổi, trẻ mới có thể ngồi ăn mà không cần người hỗ trợ, biết tự lấy cốc nước uống,…. Hầu hết các bé sẽ học được kỹ năng này khi đi nhà trẻ, nên bố mẹ không cần quá lo lắng hoặc ép buộc bé.
Kỹ năng sống cho trẻ mầm non số 2: Kỹ năng giao tiếp và ứng xử.
Kỹ năng giao tiếp ứng xử là một trong những kỹ năng sống cần thiết cho bé nhất để có thể tự tin, được yêu mến và hòa nhập được với xã hội.
Ngay từ khi trẻ chào đời, kỹ năng giao tiếp đã là một kỹ năng quan trọng giúp trẻ tồn tại và phát triển. Giai đoạn đầu, trẻ giao tiếp qua cử động tay chân, qua biểu cảm ánh mắt, qua tiếng khóc… Lớn hơn, kỹ năng giao tiếp của trẻ được hình thành và hoàn thiện dần qua ngôn ngữ, cử chỉ… Có thể khẳng định, giao tiếp là một trông những năng lực cần thiết nhất để trẻ phát triển và sinh tồn trong cuộc sống.
Các bậc cha mẹ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giúp trẻ trau dồi kỹ năng giao tiếp, trẻ sẽ học kỹ năng giao tiếp ngay từ khi mới lọt lòng. Vì vậy, dù trẻ còn bé, hãy tạo điều kiện nói chuyện với trẻ để trẻ tiếp cận được tốt hơn. Sau đó, tạo môi trường phù hợp cho trẻ, tạo điều kiện giúp trẻ hòa đồng với những người xung quanh, cho trẻ cơ hội và khuyến khích con tương tác, giao tiếp với bạn bè. Hãy là tấm gương để bé học tập. Ngoài ra, cũng đừng quá gây áp lực mỗi khi bé quên hoặc phạm sai lầm. Vì trẻ còn nhỏ, khả năng nhận thức còn hạn chế nên bố mẹ hãy từ từ dạy, nhắc nhở bé thôi nhé!
Kỹ năng sống cho trẻ mầm non số 3: Bơi lội.
Đây cũng là một trong những kỹ năng sống cần thiết cho bé và cả người lớn. Trong cuộc sống, luôn có những bất ngờ xảy ra và chúng ta không thể lường trước được. Nếu trẻ biết bơi, trẻ có thể sống sót khi xảy ra tai nạn dưới nước, đồng thời cũng giúp trẻ sinh tồn khi thiếu thức ăn hoặc tìm kiếm lối thoát.
Nhiều người dạy trẻ học bơi ngay từ khi bé lên 3 tuổi, nhưng để đảm bảo an toàn tốt nhất, bạn nên dạy khi trẻ khỏe mạnh, có đầy đủ các thiết bị hỗ trợ (như kính bơi, phao, ống thở,…) và có sự giám sát 24/24.
Kỹ năng sống cho trẻ mầm non số 4: Nói thật.
Trẻ em vốn không biết nói dối nhưng trẻ học được cách nói dối rất dễ dàng và nhanh chóng. Thực tế, những lời nói dối vô hại không phải là xấu và ai cũng từng nói dối.
Nói dối để tự bảo vệ bản thân, để người khác quý mến mình,…có vô số lý do để nói dối. Nhưng trẻ còn quá nhỏ để hiểu lời nói dối nào là xấu, lời nói nào không.
Do vậy để tránh cho trẻ có được thói quen này, bạn nên khuyến khích trẻ nói ra cảm xúc bản thân, thừa nhận lỗi của mình và khen ngợi khi trẻ đã thừa nhận bản thân nói dối hoặc làm sai, đồng thời là tấm gương để trẻ học hỏi theo.
Kỹ năng sống cho trẻ mầm non số 5: Sắp xếp đồ đạc.
Kỹ năng này sẽ giúp trẻ có được thói quen ngăn nắp, gọn gàng ngay từ nhỏ; đây cũng là một phẩm chất tốt không phải ai cũng có. Bố mẹ nên đồ đạc trong nhà được sắp xếp gọn gàng, đúng nơi quy định. Tất cả mọi thành viên trong gia đình, bao gồm cả bé cũng phải tuân theo luật lệ.
Với trẻ em, bạn nên nhắc nhở trẻ sau khi chơi thì xếp đồ chơi lại, quần áo mặc xong phải cho vị trí thường để không vứt lung tung,…
Kỹ năng sống cho trẻ mầm non số 6: Tự chăm sóc bản thân.
Đây là kỹ năng rất quan trọng cần trang bị cho trẻ ngay từ khi trẻ còn học lớp mầm. Việc cho trẻ sớm tham gia vào những công việc lao động phù hợp như: cho bé tự sắp xếp, dọn đồ chơi sau khi chơi xong, trẻ biết phụ mẹ chuẩn bị bữa ăn, dọn phòng của mình, tự thay đồ hay ít nhất là biết tự rửa tay, tự biết vệ sinh cả nhân…
Nhiều bậc cha mẹ quá bảo bọc con đến nỗi khi con lớn vẫn không để con động tay chân đến việc nhà. Đã bao giờ các bậc cha mẹ nghĩ khi con mình đi vắng, con ở nhà một mình thì sẽ sống thế nào khi không có sự giúp đỡ của bố mẹ? Chính vì vậy, việc giúp con xây dựng kỹ năng tự phục vụ là thực sự cần thiết. Khi giúp trẻ xây dựng kỹ năng này, bạn hãy để bé chủ động, tự tin đối với công việc của mình. Hãy để bé tự làm và mình chỉ là người hướng dẫn mà thôi. Điều này rất cần sự kiên nhẫn của bố mẹ.
Qua những việc làm tự phục vụ bản thân đó, trẻ mới hiểu rõ được giá trị của lao động và thông cảm, biết thương yêu cha mẹ hơn. Ngoài ra việc giúp trẻ vận động chân tay cũng giúp sức khỏe của trẻ phát triển hơn. Từ những hành động đơn giản về việc tự phục vụ khi còn nhỏ này sẽ giúp trẻ chủ động và độc lập trong mọi công việc sau này.
Kỹ năng sống cho trẻ mầm non số 7: Quản lý thời gian.
Đây cũng là kỹ năng sống cần thiết cho bé nên được rèn luyện từ bé. Có lẽ sẽ hơi khó khăn để bé tự xây dựng thời gian biểu cho mình do vậy bố mẹ nên giúp bé trong hoạt động này.
Bằng cách, đưa ra những quy định về thời gian ăn, thời gian chơi, thời gian xem ti vi,…Nên áp dụng vào với thời gian biểu chung của cả gia đình.
Kỹ năng sống cho trẻ mầm non số 8: Vượt qua khó khăn.
Có rất nhiều thứ trẻ có thể tự vượt qua được mà không cần người khác giúp đỡ. Nếu bạn tiến đến hỗ trợ ngay, trẻ sẽ có thói quen ỷ lại và khó tự lập sau này.
Nếu trẻ vấp ngã, hãy khuyến khích trẻ tự đứng lên. Nếu trẻ cãi nhau với bạn, đừng vội bênh vực con mà hãy tìm hiểu nguyên nhân, dạy trẻ nói ra suy nghĩ, cảm xúc và hỏi bé các cách để làm lành với bạn (giúp trẻ tự động não) rồi sau đó mới gợi ý cho trẻ cách đúng đắn.
Kỹ năng số 9: Giúp đỡ và chia sẻ.
Đây là một kỹ năng sống cần thiết cho bé, nếu một đứa trẻ không biết cách giúp đỡ và chia sẻ với người khác, khi lớn lên sẽ rất cô đơn, khó hòa nhập.
Dạy kỹ năng này cho bé rất đơn giản, bạn chỉ cần là một tấm gương tốt, bởi vì trẻ em thường bắt chước theo bố mẹ.
Trẻ mầm non có thể giúp đỡ bố mẹ bằng nhiều cách, chẳng hạn như tự ăn, tự cho bát đĩa vào bồn rửa sau khi ăn, tự mặc quần áo, giúp thu dọn đồ,…
Khi chơi với bạn bè hoặc anh chị em khác, nếu trẻ tranh giành đồ chơi thì hãy nhắc nhở và chia đều sao cho công bằng.
Khi thấy người khó khăn hoặc yếu thế, hãy gợi ý trẻ giúp đỡ bằng nhiều cách.
Kỹ năng số 10: Bảo vệ bản thân và phòng ngừa nguy hiểm
Đa phần các bậc cha mẹ đều ý thức được điều này, nhưng sự lựa chọn thường gặp của phụ huynh đó là tìm cách nghiêm cấm con tiếp xúc với các rủi ro. Việc chỉ nghiêm cấm mà không giải thích lý do cũng như giáo dục cho trẻ hiểu lại càng kích thích tính tò mò, muốn khám phá trong trẻ vậy nên tác dụng của việc cấm túc này không đáng kể.
Để trẻ có thể tự bảo vệ bản thân mình trước những nguy hiểm phụ huynh cần giúp trẻ hình thành thói quen và kỹ năng bảo vệ bản thân cơ bản nhất. Trong các nhóm kỹ năng sống cho trẻ mầm non về bảo vệ bản thân gồm có những kỹ năng như: Kỹ năng an toàn khi tự chơi, kỹ năng tránh bị xâm hại cơ thể, kỹ năng xử lý khi bị lạc, an toàn khi tham gia giao thông trên đường.
Kỹ năng số 11: Học hỏi.
Bản thân mỗi đứa trẻ đều luôn ham thích học hỏi và khám phá mọi thứ xung quanh. Bạn chỉ cần tạo cơ hội và môi trường tốt để trẻ tự rèn luyện kỹ năng đó mà thôi.
Hãy dạy trẻ cách đặt câu hỏi cho mọi vấn đề (tại sao?cái gì?), cách giải quyết vấn đề (làm sao? làm như thế nào?).
Nếu có thể, hãy mua sách về để trẻ tập đọc, tham gia các hoạt động trải nghiệm bên ngoài nhiều hơn,…
Kỹ năng số 12: Dạy trẻ biết cách tránh bị xâm hại cơ thể
Với những vụ án liên quan đến xâm hại tình dục trẻ vị thành niên hiện nay đang ngày càng phức tạp, hãy dạy con ngay từ khi còn nhỏ biết bảo vệ cơ thể mình để tránh bị xâm hại. Hãy dạy con về bộ phận sinh dục, đây là bộ phận nhạy cảm, nguy hiểm, không được cho người khác chạm, sờ, hay nhìn bộ phận sinh dục của con trừ bố mẹ. Hãy dạy trẻ biết mặc đồ lót để bảo vệ bộ phận sinh dục. Dạy trẻ phải nói thật và báo ngay cho bố mẹ nếu có ai muốn hoặc đã xâm phạm vào vùng nhạy cảm của con để có thể bảo vệ con kịp thời.
Kỹ năng số 13: Trồng cây và chăm sóc động vật.
Con người và thiên nhiên cần phải sống hòa hợp với nhau, không thể tách rời. Một đứa trẻ biết yêu thiên nhiên, có lòng bảo vệ môi trường thì tâm hồn cũng sẽ đẹp.Những kỹ năng như trồng cây hay chăm sóc vật nuôi là đơn giản nhất và phổ biến nhất được nhiều gia đình thực hiện. Kỹ năng này không chỉ giúp bồi dưỡng cảm xúc tích cực mà còn giúp trẻ học cách tư duy, học cách tự lập và cả học cách chăm sóc người khác nữa.