1. Dạy kỹ năng giao tiếp cho trẻ mầm non mang lại những lợi ích gì?
Kỹ năng giao tiếp là khả năng lắng nghe, trao đổi, truyền đạt các thông tin, từ đó đưa ra phản hồi và các ứng xử phù hợp nhằm tương tác qua lại giữa người nói và người nghe. Giao tiếp không đơn giản chỉ là nghe nói, đây còn là một nghệ thuật ứng xử. Kỹ năng giao tiếp đóng vai trò rất quan trọng, nó giúp truyền đạt và trao đổi thông tin một cách hiệu quả hơn.
Kỹ năng này cần được hình thành và rèn luyện từ sớm ngay từ khi trẻ ở độ tuổi mầm non. Khi trẻ có khả năng giao tiếp sẽ mang lại rất nhiều các lợi ích cho trẻ:
- Trẻ sẽ biết lắng nghe người khác và biết cách truyền tải thông điệp tới mọi người
- Trẻ biết cách bày tỏ mong muốn của bản thân với ông bà, cha mẹ, thầy cô
- Nhờ có giao tiếp tốt trẻ sẽ dễ dàng kết bạn với người khác hơn và được nhiều người yêu mến
- Trẻ sẽ phát huy được các kỹ năng khác nhờ giao tiếp tốt như tư duy làm việc nhóm, tư duy phản biện
- Trẻ tự tin hơn trong giao tiếp và có cách nhìn nhận cuộc sống một cách tốt hơ
2. Những kỹ năng giao tiếp sớm ở trẻ
Trẻ nhỏ đã có thói quen hình thành giao tiếp từ khá sớm, ngay cả trước khi trẻ bắt đầu biết nói. Một số kỹ năng giao tiếp sớm ở trẻ đã hình thành nhờ cách quan sát và lắng nghe sự vật hiện tượng xung quanh:
Kỹ năng quan sát: Ngay từ khi sinh ra trẻ đã bắt đầu có thói quen quan sát mọi thứ xung quanh. Từ các sự vật, hiện tượng, mọi người xung quanh trẻ sẽ ghi nhớ lại
Kỹ năng lắng nghe: Ngay từ khi chưa biết nói trẻ đã học các lắng nghe các âm thanh xung quanh. Khám phá âm thanh với nhiều âm sắc khác nhau sẽ giúp trẻ vô cùng thích thú.
Bắt chước: Trẻ nhỏ có xu hướng bắt chước những hành động, âm thanh mà bé nghe thấy, nhìn thấy và học theo một cách rất nhanh
Chơi: Trẻ bắt đầu khám phá thế giới xung quanh bằng cách chơi, tìm hiểu, đặt câu hỏi,...
Cử chỉ: Đây là một trong những cách giao tiếp của trẻ nhỏ, trẻ bắt đầu sử dụng ánh mắt, điệu bộ, cử chỉ, nét mặt để diễn đạt cho người khác hiểu mong muốn của bản thân.
Tạo dựng mối quan hệ: Trẻ nhỏ sẽ bắt đầu tạo dựng mối quan hệ thân thiết với người thân, chơi với bạn bè và giao tiếp với thầy cô.
3. Những phương pháp dạy kỹ năng giao tiếp cho trẻ mầm non tốt nhất
Trẻ nhỏ nếu được giáo dục kỹ năng giao tiếp sớm sẽ phát triển hơn, lâu dần sẽ tạo thành thói quen tốt rất có lợi cho bé sau này.
3.1. Tạo môi trường giao tiếp cho trẻ
Để có thể giao tiếp tốt, trẻ cần có môi trường phù hợp để thực hành. Khi này, thầy cô cùng cha mẹ cần có sự phối hợp để trẻ có được những môi trường giao tiếp lành mạnh, phù hợp. Khi ở nhà, cha mẹ nên dành nhiều thời gian để trò chuyện cùng con, giúp con có thể chia sẻ nhiều thông tin, giải đáp thắc mắc. Đến trường các bé được gặp nhiều bạn bè, học hỏi được nhiều thông tin bổ ích, cùng nhau tham gia các trò chơi, khám phá nhiều điều mới lạ,...
Khi có môi trường giao tiếp trẻ sẽ phát huy được khả năng ngôn ngữ của mình, bé sẽ thấy vui vẻ, thân thiện, thích được giao tiếp hơn. Người lớn cần quan sát các biểu hiện của trẻ để có thể đưa ra phương án giáo dục trẻ phù hợp. Nếu thấy trẻ có biểu hiện nhút nhát, lười giao tiếp cha mẹ nên động viên trẻ, kích thích trẻ giao tiếp. Cùng với đó, những trẻ này cần được hòa đồng với các bạn giao tiếp tự tin để bé có thể hòa nhập và giao tiếp tốt hơn.
3.2.Trò chuyện cùng con
Trò chuyện cùng con cũng rất quan trọng, cha mẹ nên dành nhiều thời gian để có thể giao tiếp nhiều hơn với con. Những trẻ nào có cha mẹ dành nhiều thời gian nói chuyện cùng sẽ hoạt ngôn và tư duy tốt hơn.
Trẻ con thì luôn thích đặt câu hỏi và khám phá, nếu được giải đáp kịp thời sẽ giúp trẻ hiểu rõ và liên tưởng tốt hơn. Bố mẹ có thể đặt câu hỏi cho các bé về chủ đề trường lớp, xem bé hôm nay đi học có gì vui không, được cô dạy học những gì,...để trẻ có thể thuật lại, điều này vừa giúp gắn kết giữa bố mẹ và bé đồng thời giúp trẻ tự tin hơn khi giao tiếp.
Khi trò chuyện cùng trẻ cũng nên chú ý tới cách diễn đạt của con, dạy bé kể hết câu trọn vẹn, nói chuyện có chủ ngữ, vị ngữ và thường xuyên “vâng”, “dạ” với người lớn. Khen bé nếu bé làm đúng và chỉnh các lỗi sai của con một cách nhẹ nhàng.
3.3.Tạo môi trường làm việc nhóm cho trẻ
Không chỉ người lớn và trẻ em cũng cần có hoạt động nhóm. Giao tiếp chính là tương tác qua lại giữa người này với người kia, vì thế việc trẻ có tiếp xúc với nhiều bạn bè sẽ giúp bé cởi mở, hòa đồng hơn khi giao tiếp.
Khi hoạt động cùng với nhau, với tư duy gần tương tự, các bé cũng dễ trao đổi, có cơ hội phát triển ngôn ngữ nói. Cùng với đó, bé cũng học được nhiều kỹ năng mới như thuyết phục, đàm phán để cùng nhau giải quyết vấn đề.
3.4. Kích thích trẻ trao đổi, bày tỏ quan điểm, tư duy
Không phải đứa trẻ nào cũng chủ động trong việc giao tiếp, cha mẹ khi này cần chia sẻ với bé nhiều hơn để kích thích trẻ được nói. Cách đơn giản nhất đó là đặt các câu hỏi cho bé, sử dụng các câu hỏi mở để kích thích trẻ tuy duy, sẵn sàng nói chuyện trao đổi và bày tỏ cảm xúc, quan điểm của mình.
Hãy tìm những chủ đề mà bé yêu thích, những chủ đề thân thuộc gần gũi để giúp trẻ có thể trao đổi được nhiều hơn. Ví dụ như việc đặt câu hỏi “Con thích ăn món gì nhất?”, “Con thích màu sắc nào?”, “Con đi học có vui không?”, “Con thấy các bạn ở lớp mình như thế nào?”,...
Trẻ được quan tâm cũng sẽ cởi mở và sẵn sàng chia sẻ hơn.
3.5. Dạy trẻ kể chuyện, đọc thơ
Một cách để giúp trẻ phát huy được khả năng giao tiếp của mình chính là dạy trẻ kể chuyện và đọc thơ. Cách làm này mang lại hiệu quả rất tốt, trẻ sẽ cảm thấy vô cùng vui vẻ và thích thú. Trước hết, trẻ sẽ học được cách lắng nghe, ghi nhớ câu chuyện hay bài thơ sau đó đọc lại cho mọi người những gì bé nhớ. Cách làm này giúp tăng khả năng ngôn từ của trẻ.
Hơn thế, bạn có thể tổ chức cho bé đóng vai thành các nhân vật trong câu chuyện cùng với các bạn, hay vẽ tranh minh hoạt nhân vật để bé có thể vui vẻ, hào hứng hơn khi tham gia. Đây cũng là một phương pháp rất hay giúp trẻ có được nền tảng nghe, nói, đọc và viết rất tốt trước khi bước vào lớp 1.
3.6. Sử dụng hình ảnh kích thích trẻ tương tác nhiều hơn
Trẻ nhỏ dễ bị thu hút bởi tranh ảnh với những màu sắc sặc sỡ, sinh động, cuốn hút. Cha mẹ có thể cùng bé xem tranh, đọc sách để tạo sự thân thiết, gần gũi, trẻ sẽ dễ bộc lộ cảm xúc hơn. Vừa được nghe chuyện vừa được nhìn những hình ảnh trực quan giúp bé dễ tưởng tượng hơn. Bé sẽ dễ dàng học được những gì bé được nghe và nhìn. Cha mẹ có thể dạy bé cách tả lại những hình ảnh mà bé nhìn thấy để làm phong phú ngôn ngữ của trẻ hơn.
3.7. Cho trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa vui chơi
Được tham gia các hoạt động ngoại quá sẽ giúp bé được tiếp xúc nhiều hơn với thế giới bên ngoài. Trẻ sẽ tự tin, năng động và hiểu biết hơn nhờ được khám phá những điều mới lạ. So sánh giữa hai đứa trẻ, một trẻ thường xuyên được ra ngoài tham gia các hoạt động ngoại khóa và một đứa trẻ thường xuyên phải ở nhà thì những đứa trẻ được ra ngoài có khả năng ăn nói tốt hơn.
3.8. Kích thích trẻ giao tiếp bằng việc tham gia các trò chơi
Trẻ nhỏ cần được dạy các kỹ năng giao tiếp bằng phương pháp phù hợp. Với độ tuổi mầm non thì việc dạy phù hợp nhất vẫn là dạy trẻ kết hợp bằng các trò chơi. Trẻ sẽ thấy thích thú và hào hứng khi tham gia và mang lại hiệu quả khá tốt. Cho bé đóng kịch nhân vật, tham gia giải đố, mô tả tranh, thi kể chuyện sẽ giúp bé vừa học vừa chơi một cách vui vẻ, phá bỏ được rào cản tâm lý.
Giáo dục kĩ năng giáo tiếp cho trẻ mầm non rất quan trọng, đây là giai đoạn tốt nhất để trẻ có thể học hỏi và hoàn thiện. Cha mẹ và cô giáo hãy sử dụng linh hoạt các phương pháp này cho trẻ để trẻ có thể phát huy được tối đa khả năng của mình. Hãy kiên nhẫn và đồng hành cùng bé để bé có thể phát triển một cách toàn diện hơn.